Bối cảnh lịch sử Đông Nam hỗ bảo

Từ nửa sau thế kỷ XIX, sự thống trị của nhà Thanh ở Trung Hoa bị suy yếu nghiêm trọng về mọi mặt, cùng với đó sự xâm nhập ngày càng tăng của các nước tư bản phương Tây vào Trung Hoa đã làm thay đổi Trung Hoa về mọi mặt. Cụ thể như sau:

Về bối cảnh bên trong, trước khi nổ ra khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, triều đình trung ương Mãn Thanh khống chế mọi mặt chính trị - quân sự và kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhưng kể từ sau khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, sự khống chế này đã bị suy giảm nặng nề. Lực lượng quân sự Bát KỳLục Doanh Quân trở nên rệu rã về mọi mặt, buộc triều đình phải dựa vào đoàn luyện ở các địa phương để trấn áp khởi nghĩa, tiêu biểu như Tương Quân của Tăng Quốc Phiên, Hoài Quân của Lý Hồng ChươngSở Quân của Tả Tông Đường. Đoàn luyện đã đóng vai trò quan trọng trong việc trấn áp thành công Thái Bình Thiên Quốc và các cuộc khởi nghĩa khác, và trong nhiều năm sau đó đã phát triển về quy mô và chất lượng, dần thay thế lực lượng quân sự cũ của người Mãn Châu, qua đó khiến cho quân quyền chuyển từ Binh Bộ sang đốc phủ[1] các tỉnh. Đến cuối thời Quang Tự, hoạt động quân sự của nhà Thanh do các tỉnh tự quản lý.

Trong thời kỳ Vận động Dương Vụ, các hoạt động ngoại giao và chi tiêu ngân sách đều giao cho các tỉnh tự lên kế hoạch và thi hành, từ đó các đốc phủ gia tăng thêm ảnh hưởng của mình. Những đại thần người Hán của phái Dương Vụ như Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng ChươngTả Tông Đường ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bộ máy triều đình từ trung ương đến địa phương. Mặc dù những đại thần người Hán này đều trung thành với triều đình, hành động của họ đã thúc đẩy quá trình mở rộng quyền lực của các địa phương, khiến cho sự khống chế của triều đình ngày càng suy yếu, nguy cơ chia cắt, quân phiệt hóa bắt đầu xuất hiện. Triều đình Mãn Thanh dù nhận ra sự tình nghiêm trọng này và đã có những bước đi nhằm kiềm chế người Hán và thu hồi lại quyền lực về tay người Mãn Châu, tuy nhiên những biện pháp này đã không phát huy được hiệu quả, ngoài ra do quan hệ ngoại giao với ngoại quốc đều do các đốc phủ thực hiện, vì thế chẳng những không thu hồi lại quyền lực mà ngược lại càng khiến cho quyền lực của các đốc phủ tăng lên.

Về bối cảnh bên ngoài, các nước đế quốc tư bản ngày càng thâm nhập và xâu xé Trung Hoa mạnh mẽ hơn, đặc biệt sau Chiến tranh Thanh - Nhật, các cường quốc ngày càng muốn hưởng thêm nhiều quyền lợi hơn ở thị trường giàu tiềm năng này. Mâu thuẫn giữa triều đình Mãn Thanh với các nước tư bản đế quốc ngày càng căng thẳng. Tháng 11 năm 1899 (Quang Tự năm thứ 25), phong trào Nghĩa Hòa Đoàn nổ ra và lan rộng ở Sơn ĐôngTrực Lệ. Với khẩu hiệu "Phù Thanh diệt Dương", nghĩa quân đã tấn công sứ quán và các cơ sở của người nước ngoài tín đồ Thiên Chúa Giáo. Để ứng phó, các nước đã tiến hành đưa công dân và giáo dân tị nạn ở sứ quán, đồng thời thành lập liên quân tiến về Bắc Kinh giải cứu công dân và tiêu diệt Nghĩa Hòa Đoàn. Phản ứng của các cường quốc khiến triều đình nhà Thanh lo sợ và thay đổi thái độ đối với Nghĩa Hòa Đoàn. Trước đó, sau khi Từ Hy Thái hậu thông qua Chính biến Mậu Tuất quay trở lại triều chính đã dự định phế bỏ Quang Tự nhưng bị các cường quốc phản đối kịch liệt, khiến Từ Hy cùng triều đình lo sợ các nước muốn đưa Quang Tự trở lại nắm quyền, cộng thêm phản ứng quân sự của các nước đã thúc đẩy Từ Hy cùng triều đình quyết định lợi dụng Nghĩa Hòa Đoàn để đuổi các nước ra khỏi Trung Hoa. Năm Quang Tự thứ 26 (1900), các cường quốc tấn công Đại Cô Khẩu, Từ Hy chính thức ra lệnh tuyên chiến.